Wednesday, January 22, 2025

Tết Trong Ký Ức Tuổi Thơ

     


    Một lần nữa, mùa Xuân lại đến như thể đã hẹn trước. Mùa Xuân bây giờ nắng không còn ấm, gió heo may không còn mơn mang trên làn da cô gái Xuân thì. Nắng Xuân bây giờ sao gay gắt, gió bây giờ là gió Santa Ana, lạnh và khô khan, đốt cháy đồng xanh, thiêu rụi biết bao nhà cửa, lấy đi sinh mạng của người dân ở Nam California này! Nhưng dẫu năm mới 2025 có bắt đầu bằng nhiều tin buồn xen lẫn bao nỗi âu lo về tương lai kinh tế, chính trị của toàn nước Mỹ, người Việt hải ngoại vẫn đang rục rịch đón Tết!

    Có lẽ được trui luyện bởi khói lửa chiến tranh, người Việt luôn có cái nhìn lạc quan vào cuộc sống. Tết xa quê, dị biệt văn hóa, sợ rằng Tết sẽ mất dần nét truyền thống nguyên thủy của nó. Tuy nhiên sự có mặt ngày càng đông của người Việt trên thế giới nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng đang mang lại nhiều "chất Việt" cho cái Tết trên xứ "Cờ Hoa". Nói gì thi nói, tôi cảm thấy mình hết sức may mắn được định cư ngay tại "Little Saigon", cái thành phố "Mỹ mà lại rất Việt" này. Ăn Tết ở Mỹ, cái gì cũng có: Kẹo, mứt, bánh chưng, bánh tét, đủ loại trái cây, các loại dưa, thịt kho hột vịt, canh khổ qua dồn thit, tôm khô củ kiệu, củ cải ngâm nước mắm...Cái gì chúng tôi cũng có, chỉ riêng cành mai vàng nở rộ ngày Tết là không! (Tôi có trồng hai cây mai sau nhà nhưng ít hoa và hoa rất nhỏ). Nhưng ngược lại chúng tôi có cái mà ở Việt nam ao ước nhưng không có được: - Đó là tiếng pháo nổ rộn rã 3 ngày Tết! Nhất là chợ búa và các cơ sở thương mại, họ đốt pháo kinh khủng lắm!

    Tết bây giờ đủ đầy là vậy, an vui, thanh bình là vậy, nhưng những kẻ đầu hai thứ tóc như tôi vẫn không khỏi bùi ngùi, luyến tiếc những cái Tết xưa trong ký ức thời ấu thơ của mỗi người.

    Lại nhớ, tiết xuân miền Nam ngày xưa là nắng ấm, là gió man mát trên làn da, là hoa cỏ reo vui, tỏa hương thơm ngát, là tiếng guốc của mẹ tôi khua vang trên con đường đất sau hè... Hồi nhỏ xíu có biết xem lịch Ta đâu mà biết chừng nào Tết. Vậy nên tôi hay nghe lóm người lớn bàn chuyện dọn dẹp nhà cửa, làm các loại bánh, mứt đón xuân. Ngoài ra, âm nhạc là một lời báo xuân nhanh hơn cả thời tiết. Chỉ cần nghe trên radio bắt đầu hát các bài: "Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời. Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi..." ("Đón Xuân" của nhạc sĩ Phạm đình Chương) hay: " Xuân đã về, Xuân vẫn mơ màng. Trong nắng vàng khắp chốn tiếng reo vang..." ("Xuân họp mặt" của nhạc sĩ Văn Phụng) thì biết rằng Tết đã sắp về đến nơi! Trẻ con mà nghe mấy bài này thì nôn nao phải biết. Trái tim tôi cũng không khỏi rung động với một niềm vui thiết tha chen lẫn chút buồn thương da diết khi nghe: " Xuân muôn năm, có ta xuân còn hỡi xuân. Thì xin, thì xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần. Xuân xuân ơi, xuân ơi, xuân ơi!" ("Xuân Ca" cuả nhạc sĩ Phạm Duy). Bởi thế mới nói các ca khúc được sáng tác ngày xưa hay từ nốt nhạc cho đến ngôn từ.

    Trước năm 1975, gia đình tôi ở xa quê nhà miền Tây nên không có lễ tảo mộ (hay cúng mã) trước Tết. Thế nên có thể nói Tết bắt đầu bằng lễ cúng Ông Táo. Thuở nhỏ tôi luôn tin ông công, ông táo là có thật. Bởi vậy tôi luôn dễ dàng hình dung cảnh 3 ông, bà táo, áo mão, cân đai chỉnh tề cưỡi trên lưng con cá chép vàng mà Vú tôi (Vú là người giúp việc lớn tuổi mà mẹ tôi thuê để làm việc nhà và chăm sóc chúng tôi) cúng mỗi 23 tháng chạp vào trước giờ Ngọ. Tôi mê man ngắm nhìn cái trang thờ nhỏ nhắn xinh xắn trong căn bếp ám khói, lúc đó đang chìm trong khói hương nghi ngút mà tưởng tượng các táo quân đang nương theo làn khói trắng huyền ảo mà bay lên trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế. 

    Lại nói về cá chép ngày xưa khá hiếm. Lúc ở trong trường Bộ Binh, mẹ hay dắt tôi đi "Chợ Nhỏ". Thỉnh thoảng mới gặp một cô bưng một thau cá chép độ năm, bảy con đủ màu sắc ra bán ở cuối nhà lồng chợ. Cá chép vàng, trắng bông đỏ, màu cam và xanh dương sậm bơi tung tăng. Mẹ tôi thường mua mấy con về nấu canh mẳn và chưng tương, nấm mèo, bún tàu... tôi thường được mẹ cho ăn trứng cá chép, ngon và béo hết chỗ chê!

     Trở về chuyện Tết, quét dọn trang hoàng nhà cửa là việc làm không thể thiếu, lau cửa ra vào, cửa sổ, lau dọn bàn thờ ông, bà, giặt màn cửa... Sau 1975, khi hồi hương về Cần thơ, Tết đến ông ngoại bắt mấy đứa con trai phải chùi lư hương và chân đèn. Ông không cho đem ra tiệm cho họ "polir" (đánh bóng bằng máy) nói rằng sẽ hao mòn đồng uổng lắm! Vậy nên chúng tôi ngâm lư và chân đèn với nước tro trấu hay chanh, rồi đánh sạch ten bằng bùi nhùi. Mắc công một chút nhưng thấy vui vì có không khí Tết và thấy tự hào khi ngắm nhìn bộ lư đồng sáng bóng.

     Rồi thì một buổi sáng mù sương, tôi bước ra sau hè đã thấy Vú tôi bận áo nỉ, vấn khăn cho ấm, ngồi quạt cái lò than đỏ hồng, bên trên là chiếc khuôn đồng để đổ bánh thuẩn (giống như bánh bông lan mini). Tôi thương Vú lắm nên thường đến ngồi kế bên, vừa để giử ấm, vừa để có người nói chuyện về Tết, vừa là giúp vú quạt lửa hay múc bột. Trường Bộ Binh nằm trên đồi 4100 nên sáng hay lạnh và có sương mù. Hai bà cháu chúng tôi như đang ở trên bồng lai tiên cảnh. Hình ảnh đó tôi còn nhớ đến tận bây giờ. Những ngày tiếp theo sau đó mẹ và vú liên tục làm các loại bánh như: bánh nhúng (khuôn kim loại hình hoa mai nhúng vào bột lỏng, sau đó nhúng vào chiên trong dầu sôi. Khi bánh chín sẽ nổi lên hình hoa mai rất đẹp), bánh kẹp, bánh gai, bánh quai vạt, quai chèo, bánh phục linh hay bánh in. Rồi đến sên mứt dừa, mứt gừng, mứt bí, mứt khóm, kẹo chuối... Riêng thèo lèo, kẹo mè xửng, kẹo mãn cầu, hạt sen và hạt dưa thì phải mua. Vì là người miền Tây nên chúng tôi không mua bánh chưng, chỉ mua bánh tét, bánh tráng ngọt, bánh phòng. Rồi thì mẹ và vú làm các món dưa kiệu (có khi mua dưa làm sẵn ở chợ), dưa giá, dưa củ hành (củ hành tiều nhỏ màu đỏ hồng), dưa tỏi ớt, và đặc biệt là củ cải trắng ngâm nước mắm đường (gia đình tôi, Tết mà không có món củ cải này là coi như không phải Tết!).

    Một trong các thú vui những ngày giáp Tết là "đi Sài Gòn", xem hoa tết trên đại lộ Nguyễn Huệ. Hoa thì không nhiều và đa sắc, đa dạng như bây giờ nhưng người ta đổ ra phố thì đông vui khỏi nói! Mẹ tôi thể nào cũng mua về vài chậu chưng Tết. Rồi thì đi thương xá Tax, mà người lớn gọi là đi "Charner", để ngắm nghía và mua sắm (gần tết mẹ sẽ mua quần áo mới và đồ chơi cho chúng tôi). Sau đó thế nào cũng tản bộ vỉa hè đại lộ Lê Lợi nơi bày bán đủ thứ mà thích nhất là đồ chơi ngoại quốc. Ba tôi thế nào cũng ghé vào nhà thuốc Tây và bắt mọi người leo lên chiếc cân đặt gần cửa ra vào (kể cả mẹ tôi) để đánh giá tình hình sức khỏe cho cả nhà. Cân nhà thuốc thời thập niên 60, 70 là một trụ cao bằng kích thước người trưởng thành, bên dưới là bàn cân cho ta đứng lên, đầu trên ngay trước mặt ta là một mặt đồng hồ tròn với cây kim chỉ cân nặng bằng kí lô. Rồi nhất định phải có đi ăn "kem Bắc Cực" (Pôle Nord). Riêng tôi thích nhất là kem vanille và chocolat trong vỏ bọc bằng bánh xốp con sò. Một trong các địa điểm không thể bỏ xót là nhà sách Khai Trí nơi có bán truyện tranh và đủ loại sách báo thiếu nhi từ trong tới ngoài nước. Một hình ảnh mà thế hệ chúng tôi ai cũng không thể quên là hoạt động "Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ" vốn luôn sôi nổi trước Tết. Các nữ sinh, hướng đạo sinh xuất hiện ở các nơi đông người để quyên tiền cho chiến dịch giúp các chiến sĩ nơi sa trường có được chút quà Xuân. Thật đúng với tinh thần trong ca khúc "Cảm Ơn" mà Duy Khánh hay hát:

"Tôi xin cảm ơn người, cảm ơn ai đã đem luyến thương nồng ấm đến với lính.
Cảm ơn ai khi xuân về vui thật là vui, không quên người sương gió phương trời,
âu yếm gởi tình đi muôn nơi."

    Sau khi bỏ tiền vào các thùng tiền có mang hình quốc kỳ, các nữ sinh sẽ cài một chiếc nơ nhỏ hay "ruban" (tôi quên mất là màu gì, hình như là màu đỏ) lên vai áo bạn. Các thương phế binh vnch cũng xuất hiện khắp nơi trong cư xá Kiến Thiết nơi tôi ở để bán nhang cúng tết. Mẹ tôi luôn mua nhang của các anh, các chú kèm theo chút tiền lì xì.

    Mẹ tôi luôn chưng Tết đơn giản. Nhà tôi theo đạo thờ ông bà nên bàn thờ gồm 2 trang thờ nhỏ, một trang thờ ông và trang kia thờ bà. Ngày Tết vú tôi sẽ thay 2 bộ áo mão và hia mới. Bình hoa sẽ được thay hoa mới. Một bình sứ to sẽ được dùng để cắm một cành mai vàng đầy nụ và điểm đây đó mấy bông mai vàng năm cánh khoe sắc xuân. Thường thì mai sẽ nở rộ vào 29 hay 30 Tết. Cúng giao thừa sẽ có mâm ngũ quả: Cầu, sung (không bắt buộc phải có), dừa, đủ, xoài. 

     Năm nào như năm nấy, vào đúng lúc đồng hồ điểm mười hai tiếng là mẹ tôi sẽ bắt đầu thắp hương cúng giao thừa. Riêng tôi, lúc nào cũng ngồi trước màn ảnh nhỏ để chờ giây phút toàn bộ ban xướng ngôn viên của đài vô tuyến truyền hình băng tầng số 9 mặc áo dài, khăn đóng cùng hợp ca nhạc phẩm "Ly rượu mừng" của nhạc sĩ Phạm đình Chương. Ba tôi ra trước sân đốt một dây pháo gọi là "trừ tà" và "khai xuân". Pháo tiểu, pháo trung, pháo đại thi nhau nổ vang lừng trong xóm. Tiếc thay lần cuối cùng chúng tôi được đốt pháo là Tết Mậu Thân 1968. Lúc đó gia đình ở trong khuôn viên trường bộ binh thủ đức, giao thừa vang ầm tiếng pháo và chen lẫn có tiếng súng. Tôi còn nhớ bác (đại úy) Quỳnh hàng xóm đội nón sắt, mặc áo giáp, xách khẩu carbine M1A1 băng đạn cong 30 viên, nhảy xuống khỏi xe Jeep, đẩy ba tôi vào nhà (ba tôi đang đốt pháo với tôi ngoài sân). Bác rít qua kẻ răng, giọng Bắc Kỳ: "...Vi xi khắp nơi...Tụi nó đánh Sài Gòn, đi thôi "Đại Ca"! Ba tôi sau đó rời đi với bác trong suốt mấy ngày. Ở nhà mẹ tôi lo sốt vó. Cũng may, có mấy chú lính của ba tới chất bao cát trong phòng ngủ nhà tôi làm thành một cái "bunker". Mấy ngày Tết năm đó, chúng tôi ngủ trong hầm để tránh pháo kích. Đất trời rung chuyển mấy đêm. Khoảng sáng mùng 3, tôi và anh thứ ba bước ra sau hè để nghe ngóng, đã thấy một cái hố cách nhà tôi khoảng 20 mét, kế bên có 2 ông lính ngồi trên xe Jeep, cầm sổ ghi, ghi, chép, chép. Tôi nghe một ông đếm: "89". Vậy là phía bên kia họ pháo vào khá nhiều, có cả rocket 122mm của Nga Sô. Sau này, khi dời nhà ra cư xá Kiến Thiết Thủ Đức, không có đốt pháo nhưng ba tôi và tôi thường đi đến khu vực "ngỏ tắt" để hái lộc, cứ cành lá xum xuê thì hái về cho mẹ tôi. Nói chung thời chiến, mỗi Tết mỗi khác nhưng Tết nào cũng vui và ai cũng háo hức đón Tết. Phút giao thừa linh thiêng, tôi thường ngồi yên, lắng nghe mùa xuân lặng lẽ tới, trong khoảnh khắc đó, thời gian như ngừng trôi, vạn vật như đứng yên bất động, tiếng pháo, tiếng súng từ xa vọng vể, tiếng người lao xao, tiếng nhạc xuân trên máy thu hình chợt im bặt...chỉ còn tôi và mùa xuân là hiện hữu...là một. Hiện tượng này lặp đi lặp lại trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn, mọi tình huống của cuộc đời, không thay đổi trong tôi.

    Ngày mùng một Tết, chúng tôi ở xa bà con, họ hàng nên thường không đi chúc Tết ai, chỉ có người ta đến nhà xông đất và chúc Tết gia đình tôi. Họ thường là hàng xóm, bạn bè của ba, mẹ, và đồng sự của ba tôi. Gần như mỗi năm, ba tôi (có khi là tôi những lúc ba tôi cắm trại hay hành quân xa) thường mở cửa đón các sĩ quan cố vấn Mỹ đến chúc Tết. Họ đứng nghiêm chào, trao thiệp xuân và chúc Tết bằng tiếng Việt với giọng lơ lớ: "Cung Chúc Tân Xuân" hay "Năm mới vui vẽ". Về sau, lúc ba tôi chuyển về sư đoàn 18 bộ binh thì có thêm mấy ông Úc Đại Lợi cũng đến chúc Tết.

    Hồi gia đình ở cư xá Kiến Thiết, có một ông hành nghề y tá, chuyên chích thuốc tại nhà. Nhà ông đối diện nhà tôi nên năm nào đúng mồng một Tết ông cũng không mời mà qua xông đất nhà tôi. Đúng 8 giờ sáng đã nghe giọng ông gọi ơi ới xin vào chúc Tết. Ông là người rất tốt, lịch sự, tử tế, theo Tây học và không kiêng cử như mẹ tôi. Mẹ tôi miễn cưỡng mở cửa cho ông vào nhưng về sau cứ đổ thừa là "ông y tá" năm nào cũng xông đất làm bà bệnh quá trời! Cũng trùng hợp là mẹ tôi bệnh thật, bà cứ xỉu hoài mà tới bây giờ bác sĩ cũng không biết là bệnh gì.

    Thay vì đi chúc Tết bà con, chúng tôi hay đi ra Sài Gòn chơi, ăn uống, xem phim xi nê. Tôi còn nhớ lần ra rạp Rex xem phim "Năm Vua Hề Về Làng" Tết Ất Mão 1975. Đông người quá, cuối cùng nhờ có một anh sinh viên "ga lăng" mà chị tôi cũng lấy được vé cho chúng tôi. Nằm nhà xem Ti vi cũng vui vì Tết có rất nhiều phim, cải lương hồ quảng, kịch vui mà thích nhất là chương trình "45 phút chuyện vui" của La Thoại Tân. Ở nhà, mấy anh chị em vừa tán dóc, đánh bài cào, cát tê, lắc bầu cua, cá cọp ăn tiền hay hạt dưa, vừa nhấm nháp bánh, mứt. Ngồi phòng khách, ăn bánh, uống trà, đọc báo xuân cũng là một cái thú vui mang tính thư giãn ngày Tết: Đủ các loại đặc san xuân của các nhật báo và tạp chí như Tiền Phong, Nàng, Văn, Thời Nay..., tuần báo Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Thằng bờm...

    Lại còn bích báo và đặc san xuân của trường Trung Học Thủ Đức do chị hai tôi mang về khi chị tình nguyện đi bán báo xuân cho trường từ mấy hôm trước Tết. Sẽ không ngoa nếu tôi nói đặc san Giáng Sinh và đặc san Xuân của trường TH Thủ Đức hay tuyệt! Cả nhà tôi ai cũng mê đọc. Hồi đó báo xuân được các giáo sư khéo tay vẽ minh họa và trang trí, bài vỡ thì phần nhiều do học sinh sáng tác và đóng góp. Có những bài viết vui tươi, cũng có nhiều bài văn, thơ hết sức cảm động. Riêng phần các bài vè "Sớ Táo Quân" là phầnh tôi ưa đọc nhất. Học sinh hồi đó viết hay quá mà chỉ dựa trên kiến thức học đường và kinh nghiệm bản thân. Phải công tâm mà nói rằng học sinh trung học ngày xưa mộc mạc, ngây thơ nhưng hết sức trưởng thành. Nhiều giáo sư gọi học sinh chúng tôi là "các anh, các chị" làm chúng tôi bất chợt thấy mình đã là người lớn. Ngoài giờ học chúng tôi còn biết giúp đỡ cha mẹ, lo toan gia đình, săn sóc các em, thuộc lòng nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân Việt nam văn minh và tiến bộ, theo đúng tiêu chí các bài học công dân giáo dục được giảng dạy ở trường và nếp sống đầy văn hóa của xã hội miền Nam lúc bấy giờ.

    Có một năm (1971 thì phải), ba nhờ chú Nhạc tài xế lái xe Jeep về đón cả nhà lên Long Khánh chơi Tết với ba vì ba đang "cấm trại". Long Khánh đất đỏ nên trái cây rất tốt, chúng tôi tha hồ ăn nhất là chuối, xoài, mãng cầu. Bộ chỉ huy tiểu đoàn 18 được bao bọc bởi rất nhiều cây chôm chôm, tiếc là chưa tới mùa chớ mấy năm trước chúng tôi lên mùa nghỉ hè chôm chôm sai trái, ăn đã luôn! Vì ba rất bận, chỉ rảnh chiều và tối, nên chú Nghĩa (đại úy Nghĩa) vui vẽ lảnh nhiệm vụ đưa gia đình tôi đi tham quan thị xã Long Khánh, thăm vườn thống tướng Tỵ, đi thăm và chúc Tết tất cả bạn bè của ba và cả của chú đang đóng quân  hay sinh sống ở Long Khánh. Năm đó, chúng tôi thu hoạch tiền lì xì "khẩm". Mỗi người lì xì mỗi đứa trung bình một hai trăm, có người năm trăm, mà ba mươi mấy người như vậy. Riêng chú, thím Nghĩa mỗi người lì xì mỗi đứa một ngàn! Vậy là Long Khánh nhỏ và hơi buồn nhưng cũng đã lưu lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

    Kỷ niệm 3 ngày Tết ấu thơ nhiều lắm nhưng nếu ai đó hỏi bất ngờ thì chỉ còn nhớ được bấy nhiêu. Thiết nghĩ nên ghi vội vài dòng xuống đây, sợ rằng mai này dần dần đầu óc sẽ nhớ ít lại, mà quên nhiều thêm thì tiếc lắm! Ngồi đây, tôi có thể nghe được tiếng nhạc xuân tưng bừng vẵng lại từ chợ Tết trong khu thương xá Phước Lộc Thọ dưới đại lộ Bolsa nhưng lòng sao nghe buồn nhiều hơn vui. Nhớ ngày nào tôi cũng háo hức đi chợ Tết, chụp hình quay phim, ăn uống, mua sắm, nhún nhảy theo điệu nhạc xuân vui tươi như bao người. Giờ thì không còn mấy thiết tha nữa! Ờ, thì cũng vẫn ăn Tết nhưng không câu nệ hình thức rình rang, quà cáp lễ mễ, lì xì, chúc tụng hoa mỹ... Tôi bắt đầu không thích đông người, không chuộng náo nhiệt. Tôi thích đọc sách, đọc thơ, ngắm hoa, nhấm mức, thưởng trà một mình hay với người thân trong dịp Tết. Tôi càng ngày càng thích tĩnh hơn động. Tôi không nhất thiết phải tập trung hết niềm vui của mình vào mấy ngày Tết, thay vì vậy, tôi muốn san sẽ niềm vui đó với những tháng ngày bình thường, tẻ nhạt khác trong năm. Ông Trịnh công Sơn nói đúng: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười... Và như thế tôi sống vui từng ngày, và như thế tôi đến trong cuộc đời..."

    Hoài niệm lại ký ức về những cái Tết của thuở thiếu thời mang Tết trở về trong tôi, ở lại trong tôi mãi, không xa rời. Ước mong sao ngày nào cũng là ngày tết, tim ta là tết, để tha hồ tận hưởng cho riêng ta và chia sẽ với thế nhân bất cứ khi nào ta cần. Đầu xuân, chân thành cầu chúc tất cả người Việt trên thế giới có một cái Tết vui vẽ, xum họp và một năm mới tràn đầy hạnh phúc, sức khỏe, an khang và thịnh vượng! Chúc mừng Năm Mới!!!

Fountain Valley, California, USA
Xuân Ất Tỵ 2025
Hùng Huỳnh




    

    

    

    


Sunday, January 12, 2025

Ký Ức Tuổi Thơ

     Tối qua nằm mơ, tôi thấy mình còn cắp sách đến trường, còn lo lắng vì cô giáo gọi trả bài mà đầu óc trống trơn, không nhớ ra được một chữ.  Giật mình thức giấc lòng vừa mừng vừa tiếc. Mừng vì không bị lảnh "hột vịt lộn" (điểm zero!), tiếc vì không chờ được đến sau giờ chơi mới tỉnh mộng để còn gặp lại bạn bè xưa xem mặt mũi tụi nó thế nào.
   
   Vào phòng vệ sinh, nhìn vào gương soi, tôi giật mình thấy một ông chú sáu mươi mấy tuổi đang giương cặp mắt mệt mỏi nhìn lại mình.  Cái cảm giác đó khó mà diễn tả được. Trong trạng thái buồn ngủ ngầy ngật, tôi cố nhớ lại những gì đã xẩy ra trong cuộc đời tôi trong khoảng 50 năm qua. Tất cả đều trống không! Khoảng thời gian đó cứ như đã bị ai đánh cắp, đặc biệt là khoảng 10 năm gần đây nhất. Ngược lại những ký ức từ lúc 7 tuổi cho đến 12 tuổi thì còn ghi lại rất rỏ ràng cứ như là mới ngày hôm qua vậy.

    Tôi mơ màng thấy mình đang chơi "Combat" (Combat là một show về đệ nhị thế chiến chiếu trên băng tần số 11 của đài truyền hình quân đội Mỹ AFVN tại miền Nam trước 1975) với mấy đứa trong xóm, thì nghe có tiếng mẹ gọi:
 - Hùng ơi, về ăn cơm! 
Tiếng mẹ vang lanh lảnh nhưng mới thân thương làm sao. Tôi ba chân bốn cẳng chạy về. 
-Nhớ rữa tay, chân, mặt mũi sạch sẽ rồi mới ăn cơm nghe chưa!, Mẹ tôi không quên nhắc.
 
Trường Bộ Binh Thủ Đức






    Tôi sinh ra ở Sài Gòn nhưng trải qua một phần của tuổi thơ ở quận Thủ đức, tỉnh Gia Định nằm cách "Hòn ngọc viễn đông" (đô thành Sài Gòn) 17 cây số về phía Bắc. Nếu bạn lái xe trên xa lộ Biên Hòa đến ngã tư Thủ đức rồi rẽ phải khoảng 10 phút, bạn sẽ đến ấp Chợ Nhỏ. Băng qua Chợ Nhỏ bạn sẽ đến một ngã tư mà tiếp tục đi sẽ vào cổng chính của quân trường Bộ Binh Thủ Đức còn rẽ trái độ vài cây số bạn sẽ đến với Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. trường Bộ Binh Thủ Đức có cổng barrier cho xe cơ giới, cổng phụ bên phải dành cho xe 2 bánh và người đi bộ. Gần bên là nhà chờ đợi. Bên trái là trạm gác của đơn vị Quân Cảnh 301 với vọng gác và đại liên M-60. Sau đó con đường chia làm 3 ngã: Rẽ trái là vào trường Thiết Giáp, đi thẳng sẽ đến khu chờ đợi cho thân nhân sinh viên sĩ quan trước khi đến cổng chào xây bằng gạch quét vôi trắng chắc có từ thời Pháp. Phía trên cổng là một tấm bảng hình vòm với hàng chữ "Trường Bộ Binh", bên trên có huy hiệu của trường với ngọn lửa và thanh kiếm và khẩu  hiệu "Cư An, Tư Nguy" (nghĩa là lúc sống trong an bình cũng không quên nghĩ đến lúc nguy khốn). Đường bên phải sẽ dẩn bạn đến cổng của "Khu Tiếp Tân" rồi cũng dẫn đến cổng chào. Khu tiếp tân là nơi mà mỗi ngày Chúa Nhật thân nhân của các sinh viên sĩ quan sẽ được phép vào thăm con em mình đang thụ huấn ở trường. Tôi còn nhớ trong khu vực này có một bức tượng của một sinh viên sĩ quan trong tư thế bắn cung hướng lên bầu trời xanh và một tấm bia với bốn chữ "Tang Bồng Hồ Thỉ" (Hàm ý chí làm trai vẫy vùng ngang dọc).





(Một ông vào thăm con là sinh viên sĩ quan. Phía sau là tượng "Tang bồng hồ thỉ")


     Khu tiếp tân có rất nhiều căn nhà mát để mọi người gặp gỡ, hàn uyên tâm sự mà thường dưới dạng Picnic trải poncho trên sàn. Chúa Nhật thân nhân đông kinh khủng! khu vực tiếp tân đầy nghẹt người trong nhà, ngoài nền đất, trên các bãi cỏ... Có khi phải "overflow" mọi người qua tận khuôn viên của trường học gần nhà tôi. Các hành lang của các dãy lớp học đặc kín thân nhân và sinh viên trải poncho picnic. Có cầu thì có cung: Nhiều phụ nữ với các quan gánh bán cơm, bán chè... xuất hiện xung quanh khu nhà tôi ở. Vốn bọn nhóc tụi tôi đã vạch sẵn một lổ rào kẻm gai để có thể chun vào trường mà không cần phải đi vòng qua cổng chính nên những người bán hàng rong này thông qua đó để mang đồ ăn nước uống vào bán cho gia đình sinh viên. Một lần tôi chứng kiến một bà bán chè thưng trông vô cùng hấp dẫn. Mới bán được có mấy chén thì bị quân cảnh 301 tóm. Dù cho bà này cố gắng giải thích và năn nỉ quân cảnh vẫn không chấp nhận. Họ nói qui định là không cho ai bán hàng rong trong khu vực này và rằng họ đã cảnh cáo bà một lần rồi. Hai ông quân cảnh nắm 2 quai nồi, bưng nồi chè khổng lồ còn bốc khói đến đổ ụp một phát vào gốc cây trứng cá cạnh nhà bác Quỳnh. Cũng tội nghiệp cho bà bán chè lủi thủi gánh cái gánh không về nhà. 
Quân cảnh không bắt mấy vụ lẻ tẻ này. Họ chỉ cần đổ hết là người ta sợ không dám tái phạm.
Trở lại câu chuyện, khi xe qua khỏi cổng chào của trường bộ binh sẽ gặp một ngã tư. Đi thẳng sẽ xuống "Sân cột cờ" (đây là cách chúng tôi gọi quãng trường nơi làm lễ mãn khóa hình như tên chính thức là Vũ Đình Trường). Nơi đây thỉnh thoảng có chiếu phim ngoài trời. Đối diện phía bên kia là rạp chiếu bóng nơi rất quen thuộc với tụi tôi. Rẽ phải thì gặp một ngôi chùa, đi sâu nữa là đến các khu nhà sinh viên ở, nhà bếp, phòng ăn, bệnh xá, đại giãng đường, đồn quân cảnh và nhiều khu khác nữa mà con nít chúng tôi không rành hết. Từ ngả tư rẽ trái sẽ gặp một nhà thờ công giáo phía bên lề phải,với một hang đá rất to do quân đội Hoa Kỳ xây tặng. Bên trái là trường Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức nơi anh em chúng tôi theo học.  Vừa qua khỏi trường học là đến khu cư xá sĩ quan nơi tôi ở. Đi xa thêm về hướng Bắc là các khu gia binh khác.
   
Cư xá sĩ quan

    Cái cư xá sĩ quan trong quân trường bộ binh Thủ Đức mới yên tĩnh làm sao..! Gia đình chúng tôi ở dãy đầu tiên và ít nhất là có năm dãy như vậy. Xung quanh có nhiều cây cao bóng mát mà nhiều nhất là cây gòn. Trước mỗi dãy là một con đường trải đá. Đằng sau mỗi dãy là một khoảng sân đất trống giăng mắc cỏ may, cây gòn và những ngôi mả đá ong có từ lâu lắm rồi. Hơi âm u và ma mị, nhất là vào ban đêm. 

    Mổi dãy liên kế như vậy có khoảng chừng 8 căn nhà. Hai căn đầu luôn có thêm một mảnh đất nhỏ nơi con nít chơi đùa. Căn thứ nhất là nhà Bác (Đại Úy) Quỳnh có cây trứng cá khá lớn bên hông. Nơi đây từng chứng kiến biết bao trận quyết chiến giữa bọn con nít xóm tôi và bọn nhóc ở "Dãy Sau". Nói nghe cho dữ vậy thôi chớ chỉ là bắn nhau bằng trái trứng cá.  Chỉ cần một cây thước một đầu đóng một cây đinh để buộc dây thun. Đầu kia có một cái cò để bắn. Trái trứng cá được mắc vào dây thun còn cuốn thì kẹp vào cò. Trứng cá bắn trúng người cũng đau lắm vậy mà có đứa nào sợ đâu cứ chơi phục kích kiểu "Combat" và bắn nhau xối xả. Bắn nhau mệt rồi thì lại làm bạn cùng hái trứng cá xuống ăn chung. Trứng cá chín chuyển sang màu đỏ trông rất hấp dẫn và có vị rất ngọt! Hết trứng cá thì lấy giấy cuộn lại rồi gấp đôi làm "Bì" để bắn bằng thun mắc vào ngón trỏ và ngón cái giống như kiểu bắn ná (nạng hay nạng giàn thun). Anh Ba của tôi chơi lớn lấy giấy tạp chí "Thế Giới Tự Do" của Mỹ làm bì (có khi gọi là túc) bắn trúng rất đau nên mấy đứa trong xóm sợ ảnh lắm. 




    Nhà tôi là căn thứ nhì kế nhà Bác Quỳnh. Phải bước lên 3 bậc tam cấp mới lên đến hàng ba dưới mái hiên trước khi đến cửa nhà. Cửa cái và cửa sổ đều có lá sách và chốt khóa kiểu nhà Tây. Sàn nhà lát gạch bông ca rô trắng đen. Nhà trên và nhà dưới cách một khỏang sân nhỏ nối với nhau bởi một hành lang có mái che. Nhà tắm và nhà vệ sinh nằm cuối sân trên một nền xi măng cao có bậc tam cấp bước lên. Kế đó là nhà bếp và phòng ăn. Sau nhà là một sân đất rộng có hai cây gòn rất cao nằm kế một ngôi mả lạn bằng đá ong màu nâu đỏ như rỉ sắt. Bia mộ đã mòn và không còn thấy rõ các chữ Hán khắc trên đó. Mỗi lần cúng trong nhà hay Thanh Minh Vú tôi hay ra cúng và thắp nhang cho người nằm trong mộ hoang chắc đã trăm năm không còn ai thăm viếng. Nhà tôi thì không hề gì nhưng nhà Bác Long bên cạnh thì có khi thấy bóng trắng hay có khi chỉ thấy một cặp mắt nhìn vào lổ khóa cửa sau. Tôi nhớ có lần đất phía sau nhà nằm giữa cửa sau nhà tôi và nhà bác Long bổng sụp xuống để lại một hố đen mà bên dưới là một quan tài bằng gổ cũ kỹ. Bác Long phải cho người bốc mộ thì từ đó về sau không còn thấy những hiện tượng ma quái nữa. Tuy nhiên nhà bác Hùng ở giữa dãy mới âm u và ghê rợn nhất. Bác Hùng gái hay tâm sự với mẹ tôi rằng bác cứ thấy một ông già mặt đầy máu me đứng ở đầu giường nhìn bác. Riêng tôi và anh thứ tư rất nghịch, nhiều lần rình qua cửa sổ nhà bác lúc cả nhà đi vắng và thấy rõ ràng cái quạt máy dù không cắm điện vẫn đột nhiên quay vù vù chừng một phút rồi lại tắt! Mấy chuyện tâm linh kiểu này tôi còn tiếp tục chứng kiến suốt cho đến khi tôi lớn lên và thậm chí đến tận bây giờ. Có lẽ tôi bị yếu bóng vía quá chăng?... Nếu có dịp tôi sẽ kể thêm kinh nghiệm của mình về vấn đề này.

    Lại nói đến những mùa mưa thời thơ ấu, chúng tôi đặc biệt có thú "cởi trần" tắm mưa. Trường Bộ Binh Thủ Đức nằm trên đồi 4100 nên mưa rất to, gió rất lớn, sấm chớp và sét đánh rất thường xảy ra. Bọn con nít từ 10 tuổi trở xuống đều đổ  hết ra đường để thưởng thức những giọt mưa mát lạnh, sung sướng làm sao! Người lớn không bao giờ cho phép con nít tắm cơn mưa đầu mùa. Lý do là "hơi đất" xông lên không tốt cho sức khõe. Phần nữa là vì chúng tôi thích đứng dưới các ống máng xối nơi nước đổ mạnh ào ạt như thác mà nóc nhà lúc đó vẫn còn chất chứa nhiều thứ bẩn như bụi bậm, cành lá cây, phân mèo, phân chim... Vú tôi thường quan sát nếu thấy nước máng xối sạch trong mới cho tụi tôi tắm. 
    
    Trò chơi trẻ con hồi đó cũng đa dạng và khá lành mạnh.  Con trai thường chơi bắn bi, tán u, bông vụ, dích hình, tạt hình (hình hay một ô truyện tranh có màu, kích thước chừng bằng  lá bài Tây in trên tờ giấy cứng tầm khổ giấy A4 bây giờ, đem về cắt ra là chơi được. Thường thì tụi tôi thích  hình hiệp sĩ Zorro, cowboys, Tarzan, batman, superman...) , tạt "nút Khoén" (nút chai nước ngọt hay bia, thường là của hảng BGI), tạt lon, tạt dây thun, chọi lính bật tường (lính và thú vật đúc bằng nhựa nhiều màu sắc khác nhau), chia phe đánh nhau kiểu combat, bắn bì, bắn trứng cá, thả diều, đạp xe... Con gái thì thích chơi nhảy dây, banh đũa, nhảy lò cò, chơi nhà chòi, búp bê... Ngoài ra Tết Trung Thu trường bộ binh còn tổ chức phát lồng đèn và bánh trung thu cho thiếu nhi để sau đó đi rước đèn (đi cộ đèn). Đi từ sân cột cờ về đến cổng trường là kết thúc. Thật ra thì kinh tế eo hẹp thời chiến tranh chỉ cho phép trường phát một cái bánh dẽo và một lồng đèn giấy xếp hình ống hay cuộn tròn loại rẽ tiền cho mỗi trẻ em. Vậy chớ thời thập niên 60, 70 làm được vậy là đã chu đáo lắm rồi!


Hình chụp người viết bài này ngày xưa, đang đứng nhấm nháp cà rem Sô-cô-la trên con đường ngay trước cửa nhà. Phía xa là dãy lớp Mẫu Giáo và lớp Năm (lớp Một). Bên trái, ẩn sau tàn cây khuynh diệp xanh mát lá dãy lớp Nhì và lớp Nhất. Thời này ảnh chụp bằng máy Polaroid Camera còn mờ lắm lại có màu hung hung đỏ, được cái có hình ngay tức thì, vô cùng tiện lợi, đúng là "Hi-Tech" thời đó!
    
Trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức
  
     Nằm sát bên khu cư xá sĩ quan là trường tiểu học Võ Khoa Thủ Đức, nơi mấy anh chị em tôi theo học từ lớp Năm cho tới lớp Nhất. Về sau người ta cho xây thêm trường trung học Võ Khoa ở phía sau và một sân đá banh nữa. Trường được bao bọc bởi nhiều cây xanh và các sân cỏ trông vô cùng nên thơ. Không khí hết sức yên tĩnh...nếu như thỉnh thoảng mấy ông sinh viên sĩ quan không chạy vòng quanh khu giảng đường gần bên, hát vang lên:

Thao trường đổ mồ  hôi. 
Chiến trường bớt đổ máu. 
Cố lên, cố lên dù nhọc nhằn...
...Một hai ba bốn
Một hai ba bốn...

     Bài hát nghe hào hùng nhưng mỗi lần chúng tôi đang ngồi học trong lớp mà nghe giọng  đều đều của mấy ông lính thì cảm giác buồn ngủ không thể nào cưỡng nổi. Thế là ngủ gục, cho tới khi cô giáo quất cho một thước bản lên vai đau điếng mới bàng hoàng tỉnh giấc.

    Tôi  bắt đầu học Mẫu Giáo ở trường Võ Khoa năm 7 tuổi. Tôi còn nhớ học lớp cô Hoa. Học thì ít mà ca hát thì nhiều. Mỗi tuần đều có một nhóm binh sĩ Mỹ đến thăm cho bánh, kẹo chocolat, và đồ chơi. Các hội thiện nguyện ở California thường gởi cho trẻ con các hộp giấy carton nho nhỏ bên trong chứa các món đồ chơi như xe hotwheel, lính nhựa, búp bê...và các thứ linh tinh khác như ta thấy trong các khu đồ chơi của các tiệm 99 cents ở Mỹ bây giờ. Con nít mà, vậy là vui lắm rồi!

    Các lớp Năm, Tư, Ba cũng không có gì đặc biệt. Lên đến lớp Nhì, lớp Nhất tôi học lớp của 2 chị em cô Bé và cô Đẹp. Phụ huynh nào cũng khen hai cô dạy hay vì  học sinh giỏi và đạt điểm cao. Chỉ có điều các cô đánh học sinh dữ quá! Nhất là cô Đẹp.  Cô thường dùng thước bảng quất vào mông, vào vai, vào tay mà đau  nhất là gu bàn tay. Khổ nổi thời đó, các bậc phụ huynh đều đồng tình với việc con nít phải có roi, có vọt mới nên người. Chỉ thương cho học sinh "vô số tội" chúng tôi phải ráng ngoan ngoãn và giỏi giang sao cho các cô vui lòng mà "Thủ hạ lưu tình", "Đao hạ lưu nhân".

    Mỗi năm gần tựu trường, không khí chuẩn bị vô cùng sôi nổi.  Nào là sắm sửa đồng phục, giày Bata (Ngày xưa, nam sinh phải mặc áo sơ mi trắng ngắn tay có bảng tên trường, quần short màu xanh dương sậm, giày "Bata" (sneakers) trắng. Nữ sinh thì vận áo sơ mi nữ trắng cũng có bảng tên trường, jupe (váy) màu xanh dương sậm, giày "Bata" (sneakers) trắng. Mỗi tuần một lần phải giặt giày và dây giày, đánh phấn trắng rồi phơi khô. Mùa mưa phải giặt giày, vớ thường hơn, nếu không phải sắm hai, ba đôi phòng hờ, khổ vô cùng!) , cặp da, bút, mực, tập vỡ... Toán và Tập Làm Văn phải xài tập 200 trang, Các môn khác 100 trang và thủ công 50 trang. Tập học sinh bìa "3 cô gái" dần chuyển sang Olympic, Cyclo, Cogido con nai.  Môn vẽ và quan sát thì phải có hộp viết chì màu hay chí ít cũng phải có cây viết đầu xanh, đầu đỏ. Giấy chậm, gôm, bình mực, com ba, hồ dán, giấy thủ công cũng không thể thiếu. Tôi đặc biệt thích môn Quan Sát tức Sinh Vật vì được vẽ cây cỏ và muôn thú nhất là các con thú dữ như cọp, beo, sư tử, gấu, cá sấu...Nói chung càng chi tiết thì càng thích, như là làn da nhăn nheo của voi rừng Phi Châu, bông hoa của báo đốm hay trăn gió Nam Mỹ.  Tôi cũng rất mê vẽ bản đồ cho môn Địa Lý. Tôi từng thuộc lòng bản đồ thế giới để vẽ bằng phấn lên bảng đen cho cô giáo dạy. Tôi chỉ ghét môn Toán nhưng cũng ráng đứng từ hạng Tư đến hạng Bảy trong lớp vì ba tôi rất nghiêm khắc và kiểm tra bài gắt gao mỗi khi ông có mặt ở nhà. Mỗi tháng phải trình Thông Tính Bạ và Bảng Danh Dự có Mộc và chữ ký của thầy hiệu trưởng Lâm Văn Khanh cho ba xem (Mỗi tháng học sinh từ hạng Nhất đến hạng Năm sẽ được phát một tấm Bằng Danh Dự bằng giấy bìa cứng, mỗi thứ hạng mang một màu khác nhau: Xanh, lam, đỏ, vàng, cam, tùy trường).

    Lớp học ngày xưa nóc cao ráo lợp bằng tôn, sàn lát gạch bông sạch bóng do học sinh chúng tôi thay phiên nhau quét lau mỗi ngày (Số là ngày xưa, cả trường chỉ có một chú lao công chuyên làm nhiệm vụ sửa chữa, hướng dẫn học sinh dọn dẹp nhà vệ sinh và đốt rác. Còn học sinh sẽ chịu trách nhiệm quét, lau lớp học và hành lang cũng như lượm rác ngoài sân chơi và xung quanh trường). Sĩ số mỗi lớp học thường là 64 nên có 8 dãy bàn gỗ, mỗi dãy có 4 bàn, cứ 2 bàn bên phải, 2 bàn bên trái, ở giữa là lối đi cho cô giáo "catwalk" và "múa thước bảng" (quất học sinh). Cô giáo thường thì nhỏ nhắn nhưng quất rất đau. Hồi đó tôi có giận các cô do đòn roi nhưng vẫn luôn kính trọng các cô do truyền thống "Tôn Sư Trọng Đạo". Tuy vậy mỗi lần ăn Tất Niên cuối năm lại thấy thương các cô nhiều lắm nhất là khi các cô phát biểu mà mắt đỏ hoe vì cảm động. Bên lớp con gái thì các cô nhẹ tay hơn và nữ sinh cũng gần gũi với các cô hơn, nào là tặng hoa cho cô, cuối năm lưu bút này nọ. Con gái gần hè là khoe lưu bút với nhau. Thỉnh thoảng tụi tôi có xin cho coi ké mà rất ngại vì con trai và con gái Tiểu Học ở trường tôi phải học riêng. Cũng phải lén coi chớ mấy đứa kia mà biết được là nó "chọc quê" chết luôn! Tôi rất thích hình vẽ và màu sắc mà Lưu Bút của con gái thì đầy đủ hoa lá cành, nào là bông hoa, chim chóc, thơ văn học trò, tình bạn, tình thầy trò, thương mến thương đủ kiểu nên tôi thấy cũng hấp dẫn, lôi cuốn lắm.

    Học sinh từ Mẫu Giáo cho tới lớp 12 miễn cứ học giỏi và xếp hạng Nhất tới hạng Năm thì cuối năm sẽ được "lảnh thưởng". Phần thưởng rất phong phú: Từ cặp da (ngày xưa không có backpack như bây giờ), tự điển (thường là của giáo sư Nguyễn Văn Khôn do nhà sách Khai Trí xuất bản), sách giáo khoa tiếng Việt, sách giáo khoa tiếng Anh của Bộ Giáo Dục và nhân dân California, Hoa Kỳ trao tặng, học cụ các loại tùy theo cấp lớp, tập giấy Cogido có hình con nai, vân vân ...


 (Phần thưởng trong hình có vẻ là phần thưởng danh dự, hạng Nhất sẽ ít hơn vài quyển sách hay không có cặp da. Cứ thế chồng quà sẽ thấp hơn từ từ cho tới hạng Năm thì còn khoảng chừng 10 quyển vở trăm trang và hộp chì màu nhỏ chẳng hạn. Xin thêm, vị sĩ quan phía bên trái trong hình là hiệu trưởng của chúng tôi, Trung Úy Lâm Văn Khanh.)

 Sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ

    Người Mỹ đặt chân đến trường bộ binh mang theo nhiều đổi mới thú vị. Họ xây một hang đá bằng đá thật cho nhà thờ to cở hang đá nhà thờ Thủ đức sát bên hông trường Lasan Mossard. Không biết họ vận chuyển đá từ đâu về mà rất nhiều và rất to. Hang đá được khánh thành vào đúng dịp Giáng Sinh năm đó (1967 thì phải?).

    Người Mỹ hay đi quỹ lạo, phát quà bánh, đồ chơi cho học sinh tiểu học. Họ cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cả học sinh tiểu học lẫn trung học. Lính Mỹ đến trường chích ngừa cho chúng tôi thường xuyên hơn. Thích nhất là họ có loại súng mà chỉ cần bóp cò là thuốc sẽ tự động tiêm đúng liều lượng mà chỉ đau như kiến cắn, một giây là xong! Sợ nhất là bị y tá Việt Nam trồng trái, nhiều khi họ rạch bằng ngòi bút rất đau. Lại còn sưng tấy lên trông phát sợ! Mới đầu họ rạch dưới bắp chân, về sau họ rạch trên vai trái. Những vết thẹo mà nó để lại phải mấy chục năm sau mới mờ hoặc mất đi.

    Nhờ viện trợ của Mỹ mà Việt Nam Cộng Hòa có thể chi cho các chương trình dinh dưỡng học đường và bảo vệ răng cho trẻ em. Tôi còn nhớ người ta đến trường bắt xắp hàng điểm danh để đi lên phòng y tế uống sữa và ăn bánh mì. Mới đầu họ phát sữa Foremost trong hộp giấy uống còn đỡ, sau dần dần thay thế bằng sữa bột khuấy trong mấy cái nồi inoxydable rồi múc ra ly giấy cho học sinh uống ngán ơi là ngán! Ổ bánh mì thì khổng lồ mà thường chúng tôi chỉ móc ruột ăn rồi len lén bỏ vào thùng rác khi không ai để ý. Nội chuyện này thôi cũng làm chúng tôi cắn rứt và tiếc nuối khi lớn lên phải sống qua thời bao cấp đầy khó khăn! Người Mỹ còn bắt học sinh đánh răng với kem có fluorure để sát trùng và trắng răng. Sau này khi phải đánh răng bằng muối, than hay bột giặt... Nhớ chuyện xưa mà ứa nước mắt!

    Lính Mỹ còn mở lớp dạy Anh Văn miễn phí cho học sinh tiểu học vào buổi tối. Thầy giáo là các binh sĩ Mỹ cao to khi đi qua cữa phải cúi xuống sợ đụng đầu nhưng lại rất nhỏ nhẹ và dễ thương. Chương trình học ngoại ngữ này tự nguyện không bắt buộc. Ngược lại quân nhân Hoa Kỳ rất thích học nói tiếng Việt từ trẻ con chúng tôi hoặc trên truyền hình Mỹ băng tầng số 11. 

    Không biết mọi người có còn nhớ các màn trình diễn của mấy ông lính Mỹ xử dụng hai lưỡi cưa tay để đàn như kiểu violon.  Nhạc công đặt một đầu Lưỡi cưa lớn lên một chiếc ghế đẩu. Tay trái uốn éo đầu kia trong khi tay phải kéo một lưỡi cưa nhỏ hơn, cọ xát vào chiếc cưa lớn tạo nên các âm thanh nữa như violon, nữa như đàn cò nghe rất thú vị. Hai bài hát mà các nhạc công lính Mỹ hay trình diễn kiểu này nhất là bài "Không" của Nguyễn Ánh 9 và bài hát dân gian "Trống Cơm".

    Chương Trình Hướng Đạo Quân Đội

   Khoảng năm 1967, trường Bộ Binh được chọn làm thí điểm thực hiện Hướng Đạo Quân Đội VNCH. Điều này có nghĩa là tất cả học sinh tiểu học và trung học chúng tôi đều phải gia nhập gia đình hướng đạo. Chương trình sinh hoạt hướng đạo của trường vô cùng qui mô và khí thế. Anh thứ Ba rất năng nổ và tháo vát tham gia tất cả các cuộc cắm trại và thi đua giữa trường mình và các "Đạo" khác. Tôi thì cũng có quan tâm nhưng không hứng thú lắm với cuộc sống ngoài trời nên an phận thủ thường vời các sinh hoạt và cắm trại trong khuôn viên nhà trường mà thôi. Nam sinh bắt đầu là "Sói Con" còn nữ sinh là "Chim Non". Chúng tôi thì suốt ngày hát to: Hu! Akela, chúng em đây mà! Còn bọn con gái thì lúc nào cũng líu lo: Một ngày kia tôi thấy chim non. Chim nó nhẩy, nhây, nhầy... Rồi thì phải học thuộc lòng nào là thắt đủ loại nút dây, dựng lều, mật mả Morse và phất cờ Semaphore. 

    Không thiết tha lắm nhưng vì lở yêu thích truyện "The Jungle Book" (quyển sách rừng xanh) và mê loạt truyện tranh tiếng Pháp "La Patrouille des Castors" (Đội hướng đạo Hải Ly), tôi cũng è ạch leo lên được đến chức đội trưởng (chỉ huy 4 đứa khác). Đội viên khi chào ngón trỏ và giữa xòe ra như lổ tai của con sói trong khi đội trưởng thì khi chào hai ngón này khép lại. Tôi nhớ học khóa đó hết một tuần lễ cắm trại. Lều dựng phải đào hào xung quanh để thoát nước mưa vì lúc đó bắt đầu vào mùa mưa, rất cực! Sáng phải dậy thật sớm tập thể dục, ăn sáng gấp rút rồi tập họp với các trưởng để lấy mệnh lệnh trong ngày. Trò chơi thường nhất là đi theo các dấu hiệu do các trưởng bí mật sắp đặt dọc đường để tìm mật thư hay kho báu. Thỉnh thoảng có chơi cướp cờ rất hào hứng. Kỹ thuật dựng trại, nhóm lữa, nấu cơm, leo dây, đi cầu khỉ, vượt chướng ngại...đều được chấm điểm gắt gao. Thích nhất là ngồi quanh lửa trại, kể chuyện, ca hát. Hồi hộp nhất là mỗi tối phải bò lên một gò đất được chỉ định trước để nhận lệnh. Một bạn phải bò theo tôi, một đứa bấm Morse bằng đèn pin nhà binh,đứa kia cầm sổ và bút chì ghi chỉ thị. Trời tối nên không thấy được Akela đang nấp đâu đó, chỉ thấy ánh đèn pin chớp tắt, ngắn, dài của ảnh. Buổi trưa thì các trưởng sẽ truyền chỉ thị bằng cách leo lên cây cổ thụ có một "Tree House" dựng sẵn để phất cờ theo mật mả Semaphore. Nếu được chỉ định mình cũng phải trả lời bằng Semaphore. Sợ nhất là ăn tập thể kiểu nhà binh, chỉ lanh quoanh mấy món: cá nục kho hoặc chiên ăn với canh bí rợ hay cải ngọt, ngán ơi là ngán!!! Với một thằng kén ăn như tôi thì đây là điều khó khăn nhất. Tôi có thể chịu cực hay thiếu tiện nghi nhưng phải được ăn ngon thì mới kham nổi! Nói vậy chớ ngày tốt nghiệp đội trưởng tôi vui và hảnh diện lắm, miệng cười toe toét và cái mặt cứ vênh vênh. Thêm một vạch trên vai áo Khaki và khăn quàng cổ, ngực áo cũng điểm thêm mấy cái button của trại.

    Tới đây tôi xin kết thúc phần đầu của ký ức tuổi thơ. Nếu có dịp sẽ còn kể thêm phần sau.

Hùng Huỳnh

    





    
    

Wednesday, January 8, 2025

USAF F-22 Raptor Stealth Fighters Intercept Russian TU-95 Strategic Bombers Off The Coast Of Alaska

 


USAF F-22 Raptor Stealth Fighters Intercept Russian TU-95 Strategic Bombers Off The Coast Of Alaska.

F-22 "Raptor" from the 525th Fighter Squadron, 3rd Wing, PACAF



 
  
Two F-22 "Raptor" Stealth Fighters of the 525th Fighter Squadron, "Bulldogs" 3rd Wing PACAF from Elmendorf Air Force Base, Alaska.