Tuesday, March 12, 2024

Hoài Niệm Truyện Tranh Miền Nam Việt Nam trước 1975

 

    Tôi là người mê truyện tranh từ hồi còn bé tới tận bây giờ.  Tôi nhớ lúc mới năm tuổi đã mê xem cuốn "La Ribambelle - Gagne du Terrain" thuộc loại sách bỏ túi mà tôi tìm thấy trên kệ sách ở nhà. Dĩ nhiên là lúc đó chỉ biết xem hình mà đoán thôi vì là tiếng Pháp. Ngoài ra ba tôi cũng đọc và giãi thích cho tôi. Câu chuyện kể về một nhóm trẻ con gồm 6 đứa trong đó nhiều ấn tượng nhất là anh chàng thiếu gia người Scotland và hai cậu bé người Nhật rất giỏi võ Judo. Bọn trẻ này tranh giành với một ông triệu phú xấu xa để mua lại một mảnh đất bỏ trống  và đã thắng dù ông ta bất chấp mọi thủ đoạn để hại chúng. Ngoài một loạt các cạm bẩy ẩn giấu trong lảnh địa của bọn trẻ, Hai cậu bé Nhật Atchi và Atcha cũng thường xuyên làm cho bọn du đảng Caimans phải u đầu sứt trán.




    (Truyện tranh La Ribambelle gagne du terain loại bỏ túi và hình bìa một số tập trong bộ truyện này được sáng tạo bởi họa sĩ nổi tiếng người Bỉ Roba)

 

    Rồi một ngày kia ông anh thứ ba mang về nhà quyển Tintin đầu tiên, cuốn " Tintin Kho Tàng Thảo Khấu" (nguyên bản tiếng Pháp là Le Tresor de Rackam Le Rouge) khổ lớn, thể tóm lược, in mực trắng đen với bìa màu. Tuy về hình thức sách không thể so bì với bản gốc mà sau này tôi được xem nhưng xét vì hoàn cảnh khó khăn của truyện tranh miền Nam lúc đó, tập truyện này mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với tôi.  Đây là quyển sách "gối đầu" của tôi theo đúng nghĩa đen vì lúc nào nó cũng hiện diện bên dưới gối nằm của tôi (And I was not kidding!!!).  Đi đâu tôi cũng mang nó theo, nhất là những lần đi Vũng Tàu nghỉ mát  hay băng qua 2 con sông Tiền và sông Hậu khổng lồ trên những chiếc Bac to lớn để về Cần Thơ thăm bà con nội ngoại.  Vừa đọc truyện, vừa nhìn biển khơi Vũng Tàu hay dòng nước sông Cần Thơ đục ngừ phù sa tôi lại mơ mộng mình là Tintin đang điều khiển chiếc tàu ngầm hình cá mập của giáo sư Tournesol len lỏi giữa những rặng san hô màu sắc sặc sở. Thiệt tình nhớ lại ngày đó thấy mình sao còn ngây thơ, hồn nhiên và mơ mộng quá chừng!


            (Tintin Đường Lên Cung Quảng và Thám Hiểm Nguyệt Cầu do Herge vẽ) 

 


        (Tintin Kho Tàng Thảo Khấu)

      Rồi sau đó, các quyển " Đường Lên Cung Quảng" (Objectif Lune), "Thám Hiểm Nguyệt Cầu" (On a marche sur la lune), " Đảng Hắc Long" (Le Lotus Bleu) lần lượt được in bằng tiếng Việt. Nói chung tôi thích truyện tranh Pháp, Bỉ (gọi là Bande Desinees hay Bd) hơn các loại truyện tranh khác nên thường xuyên mua chúng. Còn thì thập niên 60, truyện tranh phóng tác từ các thể loại Manga của Nhật, Manhua của Trung Hoa hay Comics của Mỹ dành cho con nít đã được bày bán đầy dẫy khắp nơi,  từ nhà sách cho tới các sạp báo. với khổ nhỏ số trang hạn chế vá giá bán rất rẻ (10 hay 20 đồng một quyển) được các họa sĩ Việt Nam "can kê" hay vẽ nhái rồi điền tiếng Việt vào các ô thoại. Nói chung hình ảnh mờ nhạt, ngôn từ đơn sơ, bao gồm cả tiếng lóng đường phố miễn sao chọc cười được bạn đọc tí hon là nhà xuất bản Ok hết ráo. 

    Tuy nhận xét khách quan là vậy nhưng anh em tôi lại đi mua cả đống truyện tranh loại này về chất đầy hai cái tủ lớn trên căn gác. Nào là truyện Comics Mỹ dịch ra tiếng Việt như là Batman, Superman, Người Nhện, Tarzan... (Tôi thích nhất là cuốn Superman và Flash hoán đổi thân phận và cả hai đều bị mất trí nhớ mà sau này qua Mỹ tôi may mắn mua lại đươc một cuốn bản gốc tiếng Anh). Rồi đến các truyện Cao Bồi (Western Comics) như Kid Colt, Rawhide Kid, Ringo, ... Ngoài ra trên tivi đài Mỹ băng tầng số 11 có hát tuồng gì thì truyện tranh con nít Việt cũng có tuồng đó, ví dụ như là Combat, Twelve O'clock High, My Favorite Martian, Bewitched, The Beverly Hillbillies, Star Trek, Bonanza, Wild Wild West, Voyage to the bottom of the sea, ... Cũng không thể không nhắc đến các truyện vui về chú chuột Mickey, vịt Donald, Goofy...của Disney được "can" lại từ bản gốc của Mỹ hoặc của các nước Âu châu xuất bản theo bản quyền từ Mỹ.


(Superman "Who Stole My Super-Powers?" tôi mua lại ở Mỹ do cuốn tiếng Việt bị mất sau 1975)

    Truyện Manga Nhật Bản phóng tác lúc đó nổi tiếng nhất có: Astroboy, Ultraman (Người Điện Quang), Sư Tử Kim Ba, Rô bô Ai Cập... Tôi còn nhớ hồi thập niên 60, 70 chewing(bubble) gums Nhật Bản bày bán khắp nơi thơm ngon ăn đứt kẹo chewing gums Mỹ. Kẹo cao su Nhật nhiều màu sắc đẹp mắt và trên giấy gói lúc nào cũng có các stickers mang hình vẽ của các nhân vật anh hùng và robots của Manga và Animee (ngoài ra còn có hình cá, chim chóc, tàu thủy, xe lửa, máy bay...) Chúng tôi thường in các stickers này vào một quyển vở 50 trang như là một bộ sưu tập tem để thỉnh thoảng đem khoe với mấy thằng bạn trong lớp. Nhớ lại cái thời đó sao mà vui quá chừng!..

    Truyện gốc tiếng Hoa thì có Tiểu Lưu Manh, Chú Thoòng, và một số truyện võ thuật và kiếm hiệp. Mấy thằng bạn tôi sưu tầm và xem các truyện này rất nhiều. Riêng tôi không mua nhưng cũng thường mượn về đọc. 

    Truyện in thành tập khổ nhỏ giá thành rẽ do các họa sĩ Việt Nam can kê hay vẽ nhái thường có hình thức lẫn nội dung lem nhem, sơ sài. Tuy nhiên do đáp ứng được thị hiếu của đại đa số đọc giả tuổi thơ thời đó, thể loại truyện này vẫn bán đắt như tôm tươi. Truyện bao gồm kiếm hiệp, cổ tích, giả sử, kinh dị, ma quái. Các tựa truyện đôi khi lạ lùng như là: Batman đại chiến Charlot, Tề Thiên Đại Thánh bị đánh bỏ nhà, rồi nào là ma lai rút ruột, ma xó, ma cà rồng...

    Bạn cũng có thể đọc truyện tranh trong các tuần báo hay bán nguyệt san như Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Thằng Bờm, Yết Kiêu... (Tuần báo Thiếu Nhi về sau có đóng bộ, bọc bìa cứng rất đẹp mắt). Tờ Thiếu Nhi đóng bộ mang lại cho bọn trẻ con như mình một niềm phấn khích to lớn và cả một niềm tự hào dân tộc (nói không quá đâu nhé!). Bọn trẻ chúng mình lúc đó đã có trong tay hoặc đọc qua các thể loại Bande Dessine tiếng Pháp. So với các Album Spirou và Tintin thì tờ Thiếu Nhi là sản phẩm nội hóa có hình thức và chất lượng xem như tương đương (gần nhất mà mình có thể nghĩ tới).


(Truyện tranh in trên báo Tuổi Hoa)


    Phải đợi đến năm 1970 hay 1971 thì trẻ con miền Nam Việt Nam như tôi lúc đó (và cả người lớn nữa!) mới có truyện tranh in ấn công phu hơn để đọc. Nhà xuất bản "Tin" đi tiên phong với loạt truyện Tintin in khổ lớn giống như bản gốc tiếng Pháp và mỗi bộ đầy đủ 64 trang bán với giá 90 đồng một cuốn. Dĩ nhiên trong hoàn cảnh miền Nam lúc đó chiến tranh liên miên, kinh tế chưa phát triển và mức tiêu xài của người dân nhất là trẻ em vô cùng hạn chế những cuốn Tintin này có bìa giấy mềm in 4 màu và các trang trong in mực trắng đen. Điều đáng mừng là nội dung không hề nghèo nàn mà trái lại còn rất phong phú!  Hình vẽ rõ nét, chữ rõ ràng dễ đọc, lời văn dù dịch từ tiếng Pháp nhưng rất hài hước, dí dỏm. Các tựa truyện lúc đó theo tôi nhớ thì gồm có: Bông Sen Xanh, Những Điếu Xì Gà Kỳ Quặc, Tintin ở xứ vàng đen, Đảo Đen, Tai Gẩy, Con Cua Càng Vàng, Kho Tàng Thảo Khấu, Kho Tàng Dưới Đáy Biển, 7 Quả Cầu Thủy Tinh, Đền Thờ Mặt Trời, Một Vụ Bắt Cóc, Tintin và Ngôi Sao Băng, Bí Mật Hồng Hải, Phi Vụ 714, Phiêu Lưu Hoa Kỳ, Tintin ở xứ Công Gô, Chiếc Vương Trượng bị mất tích, Đường Lên Cung Trăng, Thám Hiểm Mặt Trăng (hình như chỉ có bấy nhiêu cuốn được xuất bản trước tháng tư 1975).

(Danh mục các đầu sách Tintin tại Hoa Kỳ mà tôi có. Tintin ở xứ Công Gô không thể xuất bản ở Mỹ do các vấn đề chủng tộc vốn hết sức nhậy cảm tại quốc gia này)

    Nhà xuất bản "Sách Vàng" tiếp bước với hàng loạt các tựa truyện hay của nhà xuất bản Dupuis (46 trang, giá bán 120 đồng một cuốn) với các nhân vật như: Phan Tân và Sĩ Phú (Spirou et Fantasio) trong Liều thuốc hoại kim, Thông Thái đấu trí Thông Minh, Chiếc Sừng Tê Giác, Kinh khủng trong quận Mộc Nhĩ..., Lữ Hân và Phi Lục (Johan et Pirlouit) trong Phiêu Lưu trong xứ Xì trum, Liều thuốc hóa chó, Bí mật 7 dòng suối, Lời nguyền rửa hận... , Xì Trum (Les Schtroumfs) với Tí Cô Nương, Gả Xì Trum Tạo Hóa, Trận dịch xì trum đen, Phi hành gia xì trum..., Tí Hon Thần Lực (Benoit Brisefer) trong Đảng Cướp Taxi, Ông Chú Điệp Viên, Bà Lão Kỳ Quặc..., Ti và Ki (Boule et Bill),  Asterix et Obelix, Trần Vũ và Lê Dũng (Tanguy et Laverdure) hai chàng phi công Pháp lái chiến đấu cơ Mirage IIIC tung hoành bầu trời Âu châu, Trung Đông và cả Nam Mỹ. Tôi đặc biệt thích các cuốn " Hải Tặc Không Trung" (Pirates du Ciel), "Kinh hoàng trên không trung" (La Terreur Vient Du Ciel) và "Bí Mật Nguyên Tử" (Menace sur Mururoa). Loạt truyện này được đài truyền hình Pháp quay thành phim nhiều tập và cũng đã được chiếu trên băng tầng số 9 (vô tuyến truyền hình VN tại Sài Gòn trước tháng tư 1975) với nhan đề "Đời Phi Công" (Les Chevaliers Du Ciel).


(Minh họa lại hình bìa của một vài tập truyện Lữ Hân, Phi Lục, tiếng Pháp là Johan et Pirlouit, do Sách Vàng xuất bản tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 )

    Nhà xuất bản "Phong Phú" tuy ra đời sau "Sách Vàng" nhưng đã có rất nhiều đầu sách hay. Đầu tiên phải nói đến loạt truyên Lucky Luke với Bác sĩ Đỗ Xây, Mối thù tai to mũi lớn, Thị trấn ma, Billy the Kid, Tứ quái Đặng Tân cải tà qui chánh, Vòng đua vĩ đại... Kế đó là Típ và Tông (Tif et Tondu) với Mũi tên bí mật, Chiếc chìa khóa vàng, Người Cao Su...Lê Phong phóng viên (Ric Hochet), Michel Vaillant (loạt truyện đua xe các loại mà tôi quên mất tên tiếng Việt là gì :). La Patrouille des Castors (truyện hướng đạo sinh mà tôi rất mê). Rồi đến loạt truyện phi công mà tôi rất thích đó là Buck Danny với các cuốn: Phi vụ miền Bắc Cực, Vũ Dân chống nàng X...


(Phiên bản Lucky Luke của nhà xuất bản Phong Phú  trước 1975 với tên gọi Lục Kỳ)

   

     Năm 1974 có 2 tựa truyện mà Sách Vàng lần đầu tiên thử nghiệm in toàn màu ngoài bìa cũng như các trang trong theo nguyên bản truyện tiếng Pháp (đây có lẻ là 2 cuốn duy nhất in theo hình thức này trước tháng tư 1975) đó là " Bộ Máy Chế Vàng" (Le Faiseur d'Or) và cuốn " Ngôi Nhà Bí Mật" (La Patrouille des Castors - L'inconnu de la villa mystere). Tiếc thay thành tựu ấy cũng đánh dấu cho thời khắc cuối cùng của truyện tranh miền Nam. Bây giờ nhìn lại khúc quanh lịch sử đó, tôi cũng như tất cả những bạn bè cùng trang lứa không khỏi bùi ngùi hối tiếc cho một thời hoàng kim của truyện tranh miền Nam Việt Nam! (*)



(Căn Nhà Bí Mật và Bộ Máy Hóa Vàng được in toàn màu năm 1974. Một bước phát triển đáng mừng và cố gắng vượt bật của truyện tranh miền Nam khi giá bán vẫn được duy trì ở mức 120 đồng/cuốn)

    Tôi cũng biết đến các loạt truyện tranh tiếng Pháp khác thông qua các bản gốc có ở nhà, mượn của bạn bè hay đọc được ở nhà sách Khai Trí tại số 62 đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn. Trẻ em miền Nam lúc đó hết sức may mắn khi có thể tiếp xúc với thể loại văn hóa này. Giấy tốt, in ấn công phu, đa sắc màu, hình ảnh vô cùng đẹp mắt và nội dung phong phú. Giá trị nhất là các albums Spirou và Tintin. Ngoài truyện tranh của nhiều tác giả nổi tiếng, các tuần báo này còn có các bài nghiên cứu về khoa học thường thức, khoa học không gian, thiên văn học, sinh vật học, quân sự, quảng cáo các kiểu xe hơi và phi cơ hiện đại lúc đó. Ngoài ra còn có phóng sự, du ký, les belles histoires de l'oncle Paul kể về các phát minh khoa học, sự kiện lịch sử hay các câu chuyện thời sự qua các thời đại. Rồi thì các trò chơi, câu đố, tin tức vui và lý thú từ khắp nơi trên thế giới trong tuần, vân vân và vân vân!

     Trên đây là hồi ức của bản thân tôi về truyện tranh miền Nam Việt Nam trước 30 tháng tư năm 1975. Một số chi tiết sẽ không được chính xác lắm do thời gian đã quá lâu (gần 50 năm rồi!) mà tài liệu tham khảo về đề tài này lại khan hiếm. Thôi thì coi như mình viết cho mình đọc để hoài niệm lại những ký ức tuổi thơ trong cái lạnh đầu Xuân nơi xứ người! Nghĩ đến đây cũng ấm lòng phần nào.

    (*) Rất vui mừng từ cuối những năm 90 truyện tranh Pháp Bỉ đã hồi sinh trong nước mà đáng kể nhất là do công lao không nhỏ của nhà xuất bản Trẻ. Tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động khi lần đầu tiên sau mấy mươi năm cầm lại được trên tay cuốn Lucky Luke - Dưới Bóng Tháp Khoan tìm thấy trong nhà sách Tú Quỳnh ở ngay trên đất Cali này. Bồi hồi tôi lật nhanh các trang bên trong in toàn màu và lời văn dịch sát với bản gốc tiếng Pháp, không khỏi vui sướng cho trẻ con Việt Nam ngày nay tận hưởng được những thứ mà thế  hệ chúng tôi trong thời tao loạn còn không dám mơ tới.

Hùng Huỳnh


Văn Hóa Đọc Truyện Tranh Của Tuổi Thơ Chúng Tôi 

    Hồi nhỏ tôi và anh thứ ba học chung một trường, đó là trường Trung Tiểu Học Võ Khoa Thủ Đức. Trường nằm trong khuông viên của trường Bộ Binh Thủ Đức ngay sát bên cổng chính đối diện với nhà thờ. Mỗi ngày tan học, anh tôi thường ghé xe vào trước nhà lồng Chợ Nhỏ. Sau đó chúng tôi cùng gọi sâm bửu lượng, nhãn nhục  hay sinh tố từ chị bán nước giải khát rồi tà tà đi qua sạp của chị bán báo. Sạp này bày bán đủ loại nhật báo, tạp chí, vé số và cả truyện tranh tiếng Việt. Ngày xưa người ta chưng bày sách truyện như thế này. Họ căng những sợi dây bố song song với nhau. Sau đó họ mở các cuốn truyện ra ở phần giửa sách và máng lên dây bố theo kiểu phơi quần áo. Kế tiếp từng cuốn truyện được xếp chồng lên nhau theo kiểu mái ngói. Một chiếc kẹp gổ loại để phơi quần áo ở trên cùng sẽ giử cho truyện không bị rớt hay bị gió thổi bay.

    Hậu bán thập niên 60, truyện tranh phần nhiều được can kê từ sách truyện nước ngoài. Sách in trắng đen, bìa mỏng nhưng có màu nên cũng hấp dẫn lắm! Học sinh như chúng tôi thích mua chúng cũng vì giá rất phải chăng, từ 10 đồng cho tới 20 đồng/cuốn tức tương đương ly sinh tố. Các loại truyện thì như tôi đã nói ở phần trên nhiều nhất vẫn là truyện Siêu nhân, người dơi, người nhện, Zango, The Phantom, Combat, Lucky Luke, Phan Tân, Sĩ Phú, Lữ Hân Phi Lục, Xì Trum. Thỉnh thoảng có thêm Chick Bill, Bà Già Gân (Prudence Petitpas), Tài xế Tư Quạu (Strapontin) và Ba Lém (Spaghetti)...

    Sau khi lựa mua các quyển truyện tranh mình thích, chúng tôi quay trở lại chị Sinh Tố, ngồi xuống bàn vừa thưởng thức Sâm Bửu Lượng hay nhản nhuc, vừa đọc nóng tại chổ. Cái cảm giác mới tuyệt vời làm sao! Sau khi ăn xong, bỏ truyện vào cặp để về nhà đọc tiếp. Những buổi trưa hè oi ả hay những buổi sáng mùa đông se lạnh, tôi thích ngồi ở chiếc bàn học trên gác để đọc truyện tranh. Hai cái tủ lớn kế bên bàn học chứa đầy truyện, từ các bộ kiếm hiệp và Z28 của mẹ, tạp chí Thời Nay và Tuổi Hoa của chị hai, các bộ truyện Tuổi Hoa: Hoa Đỏ, Hoa Xanh, Hoa Tím cho tới các chồng truyện tranh chất ngất của anh em chúng tôi tiếng Việt, Anh, Pháp đều được sắp đặt ngăn nắp và phân loại rỏ ràng. Ngồi tại bàn học này tôi thường đọc sách cũng như thả tầm nhìn ra khắp xung quanh. Khung cảnh vô cùng yên tĩnh, chỉ toàn nóc nhà hàng xóm và các cây ăng ten TV tua tủa vươn lên bầu trời xanh điểm mây trắng. Từ đây tôi cũng có thể nhìn thấy các dẫy lầu và tháp canh của Viện Bài Lao Ngô Quyền. Kèm với các chú mèo tắm nắng trên mái ngói hay sân thượng lại có từng đàng chim sẻ bay nhảy thậm chí đáp xuống trêu ngươi bọn mèo lười. Trong khung cảnh đó mà ngồi đọc một cuốn truyện tranh yêu thích rồi thả hồn cho trí tưởng tượng của mình bay ra ngoài khung cửa sổ kia thì còn gì bằng!

    Lại nói truyện tranh thời 60, 70, bạn phải lấy dao rọc các trang rời ra thì mới đọc được. Chúng tôi thường nhờ chị bán báo rọc dùm hoặc mượn dao của chị để tự rọc nếu chị bận bán hàng cho khách. Sở dĩ có chuyện này là vì các trang sách được sắp xếp trên một tờ giấy khổ lớn như tờ giấy báo theo một thứ tự nào đó để khi xếp tờ giấy lại thì số trang sẽ nằm liên tiếp nhau. Do đó chuyện hai trang truyện dính với nhau phải rọc ra là điều đương nhiên.

    Những buổi trưa hè oi bức tôi và anh tư thường leo cây mận xanh ở trước nhà để chuyền lên sân thượng. Cây mận xanh nhà tôi trái ngọt kinh khủng dù là kiến vàng không thiếu. Chúng tôi vốn đã quá quen với chuyện bị kiến cắn nên cứ thay kệ, coi như cho quên thú đau thương. Mang theo một chén muối ớt thật cay với mấy cuốn truyện tranh và cặp ống nhòm nhà binh chúng tôi hăng hái leo lên cây mận. Dưới bóng mát của cây mận che phủ sân thượng, chúng tôi ngồi vừa nhấm nháp mận ngọt chấm muối ớt vừa đọc truyện tranh. Thỉnh thoảng nghe tiếng máy bay chúng tôi lại dùng ống nhòm xem máy bay thả bom xuống khu rừng um tùm ở cuối chân trời (Rừng Sác?). Những khoảnh khắc đan xen giửa chiến tranh và hòa bình như thế cứ trôi đi, trôi đi, qua cái đầu óc non nớt của tuổi thơ chúng tôi để bây giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức một cảm giác buồn vui lẫn lộn. 

    Trở lại với câu chuyện đọc truyện tranh, ba tôi cứ hể rảnh rổi lại lấy xe chở chúng tôi ra Sài Gòn chơi. Sau khi dạo qua các nơi, thế nào chúng tôi cũng được đi đọc và mua sách ở nhà sách Khai Trí ở số 62 đại lộ Lê Lợi Sài Gòn. Khai Trí có không biết cơ man nào là sách, báo, truyện và tạp chí các loại đủ mọi thứ tiếng. Văn phòng phẩm, bản đồ cở lớn, nhỏ, quả địa cầu...cũng đều có bán ở đây. Sướng nhất là mình có thể tự do đứng đó đọc sách hàng giờ mà không cần phải mua. Truyện tranh tiếng Pháp nhiều vô kể tha hồ mà đọc. Những quyển mới thì được Sắp xếp ở các kệ bên trên trong khi các quyển củ sờn gáy, sút bìa thì nằm ở các kệ bên dưới. Sau khi tính tiền, mỗi cuốn sách đều được gói riêng trong giấy dầu màu vàng có Logo Khai Trí màu đỏ. Sau đó sách được xếp vào chiếc túi cũng có in chử Khai Trí và địa chỉ nhà sách, trông văn minh lịch sự vô cùng.

    Một cách khác để đọc truyện là đi đến các tiệm cho mướn truyện có khắp nơi ở miền Nam trước tháng tư 1975. Bằng cách này chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và đánh giá nhiều tựa truyện khác nhau mà không cần phải bỏ ra 120 đồng/cuốn để mua truyện.

    Chúng tôi cũng có thói quen trao đổi truyện, ngắn hạn hay vĩnh viển, với các bạn học cùng trường lớp hay bạn chơi chung trong khu phố. 

    Dưới đây là hình ảnh một số truyện tranh tiếng Pháp mà tôi từng có hay từng đọc trước 1975 mà bây giờ không còn thấy được xuất bản trong nước nữa (một số truyện Tanguy et Laverdure và Buck Danny trong hình là mới vẽ từ sau này nhưng sẳn tôi có nên chụp chung với các truyện cũ).

    Hồi tưởng và ghi lại những ký ức trên đây là một trải nghiệm vô cùng lý thú đối với tôi. Hy vọng các bạn cùng thế hệ đồng cảm.

Hùng Huỳnh




















No comments: